Wednesday, September 23, 2009

Nha Kỹ Thuật


Ái Hữu Nha Kỹ Thuật họp mặt tân Xuân

Saturday, January 31, 2004


Nguyên Huy

Chiều tối hôm Thứ Sáu cuối tuần qua, tại nhà hàng Emerauld Bay, trên hai trăm anh em cựu chiến binh của Nha Kỹ Thuật đã có một buổi họp mặt Tân Xuân để cùng nhau nối chặt tình thân chiến hữu ngày nào.
Có mặt đông nhất là những anh em thuộc các chiến đoàn của Sở Công Tác và Sở Phòng Vệ Duyên Hải, những đơn vị trực tiếp chiến đấu của Nha Kỹ Thuật.

Cuộc họp mặt đã diễn ra trong một không khí thân mật với sự hiện diện của một số niên trưởng Sở Công Tác, Sở Tâm Lý Chiến, Sở Không Yểm, Hải Yểm.

Trong phần văn nghệ giúp vui, nhiều tiết mục “cây nhà lá vườn” đã thể hiện được cái tinh thần của những người chiến sĩ đã chiến đấu trong âm thầm ngày nào.

Và bản hợp ca Chiến Sĩ Vô Danh đã thể hiện lên cái tinh thần ấy nên anh em đã rất hăng say ca hát mỗi khi có dịp gặp mặt nhau.

Nha Kỹ Thuật, một danh xưng để che giấu những công tác bí mật về tình báo chiến lược của QLVNCH. Trong biên chế tổ chức Nha Kỹ Thuật được coi như một sư đoàn bộ binh. Nha Kỹ Thuật phụ trách nhiều công tác trong cuộc chiến Việt Nam. Về quân sự thì có những đơn vị phụ trách các toán ngắn hạn ở miền Nam thuộc Sở Liên Lạc với những chiến đoàn, dài hạn như các toán biệt kích nhảy Bắc, những toán Biệt Hải thẩm nhập dọc bờ biển miền Bắc thuộc Sở Công Tác Và Phòng Vệ Duyên Hải. Nhiệm vụ chính của các toán này là thu nhặt tin tức tình báo về tình hình xâm nhập của địch tại các biên giới Việt Mên Lào (ngắn hạn) và tình hình dân chúng, kho bãi, cơ sở cầu cống v.v.. tại miền Bắc (dài hạn) để báo về trung ương tùy theo tình hình mà từ đó những cuộc oanh tạc của B.52 hay Không Lực Việt Mỹ được thực hiện. Sự chiến đấu của các chiến sĩ này vì thế mà phải âm thầm để bảo toàn bí mật quốc phòng. Những chiến thắng của họ thường không được phổ biến. Do đó sự hy sinh của họ thường là lớn lao cũng không được công bố ngay cả trong phạm vi QLVNCH.Nha Kỹ Thuật còn một sở Tâm Lý Chiến gồm ba phòng là Phòng Lừa Ðịch, Phòng Ấn Loát và hai đài Tiếng Nói Tự Do, Gươm Thiêng Ái Quốc. Phòng Lừa Ðịch có nhiệm vụ phá hoại hậu phương địch qua những liên lạc thư từ giữa hai miền Nam Bắc qua ngả Pháp Quốc và một số những thành viên của Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến theo quy định của Hiệp Ðịnh Genève1954. Phòng Ấn Loát chuyên in truyền đơn thả xuống miền Bắc cũng như các phần quà như khung xe đạp và Radio nhỏ cùng nhiều vải vóc, áo quần trẻ em... Hai đài phát thanh, một là hình thức Xám là Tiếng Nói Tự Do và Ðen là Gươm Thiêng Ái Quốc. Cả hai đài đều có đối tượng là dân chúng miền Bắc đang phải sống dưới chế độ cộng sản. Riêng Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc lấy danh nghĩa là tiếng nói của các cán bộ cộng sản ly khai Ðảng và đã kết hợp với nhau thành Mặt Trận Gương Thiêng Ái Quốc, tượng trưng bằng Lưỡi Gươm Vàng của Vua Lê Lợi trên nền đỏ. Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc có làn sóng ngắn phủ hầu hết các tỉnh miền Trung và một phần miền Bắc, thường loan các tin tức có thật của từng địa phương các tỉnh ven biển miền Trung, Bắc vĩ tuyến do các toán Biệt Hải xâm nhập thu lượm được hay tạm bắt các ngư phủ miền Bắc về khai thác tại đảo Phượng Hoàng ngoài khơi Ðà Nẵng. Nơi đây được tổ chức như một chiến khu của các cán bộ cộng sản ly khai. Chính vì sự tổ chức như vậy nên Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc đã rất có uy tín với người dân các địa phương này, mặc dù dân chúng nghèo khổ ít ai có được cái đài. Nhưng nếu có một người nghe được thì lại rỉ tai nhau thông báo tin tức cho nhau biết.Còn Ðài Xám Tiếng Nói Tự Do thì lại có một chương trình phản chiến phát thanh 24, có khi 28 tiếng một ngày. Những tiết mục như “Tâm tình với anh bộ đội” do ca sĩ hàng đầu Thái Thanh phụ trách hay “Tâm Tư Về Sáng” do nữ nghệ sĩ Bích Thủy phụ trách là những chương trình làm rã rời tinh thần chiến đấu của binh sĩ cộng sản miền Bắc khi phải sinh bắc tử nam. Những chương trình này đã khiến binh lính cộng sản về hàng trong các đợt chiêu hồi đến hơn hai trăm ngàn người.

Một vị sĩ quan từng một thời coi Sở Tâm Lý Chiến kiêm Quản Ðốc Ðài Tiếng Nói Tự Do là Trung Tá Ðặng Xuân Thoại đã tuẫn tiết vào sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975 tại bệnh viện St. Paul trong khi một số quân cán chính Ðài TNTD thoát chạy được. Cái chết của vị trung tá Tâm Lý Chiến Nha Kỹ Thuật này đã làm vẻ vang cho những chiến sĩ của nha còn lại ở trong nước và bị cộng sản cầm tù trong các trại tập trung cải tạo. Chỉ tiếc rằng nay ở hải ngoại, sự tuẫn tiết của Trung Tá Ðặng Xuân Thoại lại ít được anh em Nha Kỹ Thuật nhắc tới trong những dịp họp mặt. (N.H.)

1 comment:

  1. Tri an cac Dong Doi da Anh dung - Hy sinh vi To Quoc Viet Nam

    ReplyDelete